Sự thật việc người nhà hành khách vụ máy bay mất tích nói: "Chúng tôi không tin người Việt Nam"?
https://izgirls.blogspot.com/2014/03/su-that-viec-nguoi-nha-hanh-khach-vu.html
Lỗi dịch thuật và nghiệp vụ biên tập không thể tệ hại hơn của hãng tin tức Euronews.
Hôm qua, bước sang ngày thứ ba kể từ khi máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích trên biển Thái Lan, một video tin tức của hãng Euronews đã khiến người Việt Nam giận dữ khi quay cảnh một người phụ nữ Trung Quốc nói bằng tiếng Trung với thái độ hết sức bực bội.
Theo phóng viên Euronews, người phụ nữ này nói: "Chúng tôi hy vọng chính phủ Trung Quốc gửi đội tìm kiếm càng sớm càng tốt. Chúng tôi không tin người Việt Nam. Họ không có khả năng lắm" (nguyên gốc tiếng Anh: "We hope the Chinese government sends search team as soon as possible. We don't trust the Vietnamese people. They are not very capable"). Xem video dưới, ở thời điểm 0:34.
Nhận xét này, nếu có thực, sẽ khiến không ít người Việt mếch lòng khi mà trong ngày hôm đó Việt Nam sử dụng tới 6 máy bay bay 12 lần chuyến, và 7 tàu biển gồm tàu của Cảnh sát biển, Hải quân và tìm kiếm cứu nạn 113 quần đảo 24/24. Toàn bộ 7 tàu biển của Việt Nam đã tìm kiếm suốt đêm hôm qua với hy vọng sớm xác định dấu vết máy bay MH370.
Trong khi tàu Trung Quốc tới sáng hôm qua mới tới hiện trường thì Việt Nam sắp lập hẳn Bộ chỉ huy tiền phương để phục vụ công tác tìm kiếm. Bộ chỉ huy trung tâm tại Hà Nội do đích thân Trung tướng Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam Võ Văn Tuấn chỉ huy. Sáng nay (11/3), Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng, đang có mặt trên một chiếc trực thăng xuất phát từ Cà Mau hướng ra biển tham gia công tác tìm kiếm.
Bên cạnh đó, cách dùng từ "the Vietnamese people" của Euronews tạo cảm giác người phụ nữ này không chỉ không tin các nỗ lực tìm kiếm từ phía Việt Nam, mà còn không tin người Việt Nam với tư cách một dân tộc.
Nhưng nó không có thực.
Ở thời điểm người phụ nữ nói đầy tức tối ấy, hãng thông tấn Reuters cũng ghi lại được khoảnh khắc này. Và kỳ lạ là, Reuters dịch lời người phụ nữ nói trên khác hẳn so với Euronews: "Một số người khóc, số khác kiểm tra thông tin từ di động. Trong phòng chẳng có gì cả trừ một chút nước, bánh quy và bánh mì. Chẳng có gì hết. Người ta ngồi trên ghế, ngồi cả xuống sàn nhà, vì chẳng có đủ ghế."
(Nguyên gốc tiếng Anh: "Some people are crying, some are checking information on their mobile phones, there is nothing in the rooms except for some water, biscuits and bread. There is nothing else. People are sitting in chairs, or even on the floor, because there are not enough chairs.")
Người phụ nữ đang phàn nàn về thái độ của Malaysia Airlines đối với thân nhân các hành khách.
Người viết đã kiểm chứng lại với một người Trung Quốc đang làm việc tại Việt Nam và hai người Việt Nam thông thạo tiếng Trung (một là thông dịch viên ở Hà Nội, một đang làm cho hãng tư vấn Accenture tại Singapore), và tất cả đều chung khẳng định, dịch như Reuters là chính xác, và không hiểu Euronews lấy đoạn "Chúng tôi không tin người Việt Nam" ở đâu ra.
Ba người trên còn lưu ý, người phụ nữ trong video có nhắc tới Việt Nam (ở thời điểm 0:57, video Euronews), nhưng người phụ nữ này nói trong nước mắt là: "Chúng tôi hy vọng chính phủ Trung Quốc sớm phái đội tìm kiếm cứu hộ đi, bởi vì Việt Nam họ không có đội tìm kiếm cứu hộ chuyên nghiệp".
(Nguyên gốc tiếng Trung: 我们就希望中国政府赶快派搜救去,因为越南,这个, 没有专业搜救; phiên thiết Hán Việt: Ngã môn tựu hy vọng Trung Quốc chính phủ cản khoái phái sưu cứu khứ, nhân vị Việt Nam, giá cá, một hữu chuyên nghiệp sưu cứu)
Từ đấy mà suy ra được "We don't trust the Vietnamese people", kể cũng sáng tạo một cách cao độ. Đáng kinh ngạc hơn, ở đoạn này, Euronews lại đưa kèm lời bình: "'Không ai liên hệ với chúng tôi', cô nói. 'Không ai nói với chúng tôi trừ tình nguyện viên và nhân viên khách sạn'."
Chắc chắn, một số "cư dân mạng" nên có thái độ bình tĩnh, cảm thông, và nhất là cảnh giác hơn trước kiểu làm báo "trời ơi'"như thế này. Đáng lưu ý, một số trang tin mạo danh lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng đã có bài viết ăn theo sự kiện này với thái độ kích động thù hằn dân tộc.
Để kết thúc, người viết thấy lời người đàn ông ở thời điểm 0:25 (video Euronews), rõ ràng là đang bực tức trước bầy "kền kền" đang bu kín quanh mình, là thích hợp nhất:
"Anh có biết bố tôi ở trên máy bay bao lâu rồi không, việc tìm kiếm khó khăn thế, không sốt ruột sao được, mặc kệ thân nhân nhà người ta đi"
Câu nói này được Euronews bình là: "Truyền thông thành nơi trút giận của người đàn ông này" (nguyên gốc tiếng Anh: "The media became the focus of one man's frustration").
Nguồn: Cafebiz
Nguồn: Cafebiz