Trung Quốc đòi sử dụng trực tiếp tiền Nhân dân Tệ trên lãnh thổ Việt Nam

A+ A-

CTV Danlambao - Truyền thông nhà nước cho hay, Hiệp hội doanh nghiệp Trung quốc tại Việt Nam và Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) vừa gửi kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đòi được 'thanh toán Nhân dân tệ trực tiếp tại Việt Nam'.

Trung Cộng muốn CSVN thay thế 'Hồ tệ' bằng 'Mao tệ'?
Kiến nghị trên được ghi trong báo cáo do Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam gửi đến thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Theo đó, phía Trung Quốc viện lý lẽ rằng việc giao dịch và thanh toán bằng Nhân dân tệ trực tiếp tại Việt Nam xuất phát từ nhu cầu ''khá lớn và tăng lên rõ rệt theo đà phát triển không ngừng của thương mại Việt - Trung''

“Cuối năm 2013, ước tính kim ngạch thanh toán bằng Nhân dân tệ đã đạt khoảng 15 tỷ USD. Tuy nhiên, đa số giao dịch thanh toán biên mậu bằng Nhân dân tệ nói trên được thực hiện ở Việt Nam thông qua con đường không chính ngạch”,  Hiệp hội doanh nghiệp Trung quốc tại Việt Nam và Ngân hàng Công thương Trung Quốc lập luận.

Theo quy định hiện hành, Việt Nam đồng vẫn đang là đồng tiền duy nhất được phép lưu hành và thanh toán trên lãnh thổ Việt Nam.  

'Vi phạm chủ quyền'

Cho đến thời điểm này, giới hữu trách Việt Nam chưa đưa ra bất cứ phản hồi nào về đề nghị từ phía hai cơ quan Trung Quốc.

Nhà báo Đào Tuấn thẳng thắn viết trên báo Lao Động: 'Cần một cái lắc đầu dứt khoát' trước kiến nghị thanh toán trực tiếp bằng Nhân dân Tệ trên lãnh thổ Việt Nam.

“Đề nghị giao dịch chính thức bằng NDT phải được hồi đáp ngay bằng cái lắc đầu dứt khoát nếu chúng ta còn tôn trọng đồng tiền Việt Nam, một sự tôn trọng cần thiết như coi trọng độc lập quốc gia”, nhà báo Đào Tuấn viết.

Trả lời phỏng vấn báo Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh khẳng định lời đề nghị thanh toán trực tiếp bằng Nhân dân Tệ của phía Trung Quốc là 'vi phạm chủ quyền của Việt Nam'

Trước lý lẽ của phía Trung Cộng nói rằng trong năm 2013, giao dịch bằng Nhân dân Tệ tại vùng biên giới Việt – Trung đã lên đến 15 tỷ đô-la bằng con đường 'không chính ngạch', tiến sỹ Lê Đăng Doanh đặt ra câu hỏi:

"NHNN và các tỉnh biên giới cần phải có một câu trả lời rõ ràng là tại sao lại có thể có giao dịch lên đến 15 tỷ USD bằng đồng Nhân dân tệ ở biên giới được? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm về việc này?"

“Phải có những điều kiện kiểm soát rất rõ ràng chứ không thể nào dùng đồng Nhân dân tệ lưu hành ở Việt Nam như một đồng tiền thứ hai, không một nước nào có thể cho phép như vậy. Đây chính vấn đề vi phạm chủ quyền lãnh thổ và chẳng khác gì việc cho phép đồng Nhân dân tệ thao túng đồng tiền của Việt Nam”

HD 981 trên cạn

Trên các mạng xã hội, kiến nghị 'thanh toán Nhân dân tệ trực tiếp tại Việt Nam' đã nhanh chóng nhận phải những chỉ trích dữ dội. Nhiều ý kiến cho rằng đây chính là thủ đoạn của Trung Cộng trong âm mưu bành trước và thâu tóm kinh tế Việt Nam. 

Nếu cho phép lưu hành tiền Nhân dân Tệ, Việt Nam sẽ nhanh chóng trở thành con nợ của Trung Cộng, dẫn đến sự lệ thuộc cả về kinh tế lẫn chính trị. 

Có ý kiến so sánh, lời đề nghị của phía Trung Cộng nguy hiểm không khác gì một giàn khoan HD 981 nằm ngay trên cạn. 

Liệu nhà cầm quyền CSVN sẽ phải trả lời ra sao trước lời đề nghị thay thế 'Hồ tệ' bằng 'Mao tệ' của Trung Cộng?

Rõ ràng, sau chuyến thăm của Du Chính Thanh cùng với việc cài cắm 'viện Khổng Tử' tại Việt Nam, phía Trung Cộng ngày càng tung ra những ngón đòn hiểm độc hơn trong âm mưu thâu tóm chính trị và bành trướng lãnh thổ tại Việt Nam.

Do đó, 'thoát Trung' không thể có được thành quả chỉ bằng những lời kêu gọi suông. Muốn thành công, trước hết phải có những hành động dứt khoát để 'thoát cộng'. 

Trích thêm bài viết của báo Một Thế Giới " Kiến nghị thanh toán trực tiếp Nhân dân tệ: TQ muốn VN thành “chuột thí nghiệm” "

TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn

“Việt Nam (VN) như là nước thử nghiệm cho chiến lược bành trướng của đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc (TQ). Nhưng VN không có lý do gì để tiên phong làm chuột thí nghiệm cho họ trong chiến lược đó” - chuyên gia Fulbright - TS Đỗ Thiên Anh Tuấn nói về kiến nghị thanh toán trực tiếp Nhân dân tệ với Một Thế Giới.

Xoay quanh kiến nghị của Hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam và Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho thanh toán trực tiếp Nhân dân tệ tại Việt Nam, PV Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với chuyên gia Fulbright - TS Đỗ Thiên Anh Tuấn. 
Trong kiến nghị gần đây của Hiệp hội doanh nghiệp TQ muốn xin thanh toán bằng Nhân dân tệ (NDT) tại Việt Nam có lập luận rằng giao dịch mậu biên Việt - Trung đã lên đến 15 tỷ USD nên nếu thành toán bằng Nhân dân tệ thì NHNN có thể quản lý nguồn vốn hiệu quả, tăng cường thu thuế và phòng chống rửa tiền. Xin ông cho quan điểm về vấn đề này?
Đó là những lập luận rất là mơ hồ, viển vông và không thực tế một chút nào. Không có một cơ sở nào có thể nói rằng việc cho phép sử dụng đồng NDT trong các giao dịch thương mại giúp VN tăng cường quản lý giao dịch thương mại cũng như chuyển động cơ của những thương buôn từ giao dịch tiểu ngạch sang chính ngạch. Bởi vì cái đó lên quan đến vấn đề năng lực quản lý của cơ quan liên quan, liên quan đến động cơ của các thương nhân. Chắc chắn ý đồ khác hẳn so với những lợi ích tốt đẹp mà họ vẽ ra. 
Nhìn rộng ra chúng ta thấy đề xuất của Hiệp hội Doanh nhân Trung Quốc cực kỳ phi lí trên nhiều phương diện.
Đó là, đồng tiền lưu hành hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam là Việt Nam đồng (VNĐ), và VNĐ do NHNN Việt Nam phát hành, không có một bất cứ cơ sở pháp lý nào cho phép chúng ta sử dụng đồng ngoại tệ nào cả kể đô la như là một trung gian thanh toán chính thức trong nền kinh tế chưa nói gì là đồng NDT.
Trong một nền kinh tế vai trò của chính sách tiền tệ cực kỳ quan trọng, nó là trụ cột, là xương sống của bất kỳ một chính phủ nào trong việc quản lý nền kinh tế. Và để chính sách tiền tệ có hiệu lực đòi hỏi ngân hàng Trung ương phải có khả năng kiểm soát được. Và trong nền kinh tế bị đô la hóa, việc sử dụng bất kỳ ngoại tệ nào thì chắc chắn tính hiệu lực, hiệu quả của chính sách tiền tệ giảm đi rất nhiều.
Vì vậy cho phép sử dụng đồng nhân dân tệ trong giao dịch như vậy nó làm giảm hiệu lực của chính sách tiền tệ, giảm khả năng kiểm soát tiền của NHNN và như vậy làm vô hiệu đi một trong những công cụ quan trọng quản lý nền kinh tế đó là chính sách tiền tệ. Nó ngược lại so với lập luận của TQ là giúp cho Chính phủ của chúng ta có thể quản lý giao dịch đó tốt hơn.
Những rủi ro nào kinh tế Việt Nam có thể gặp phải khi sử dụng NDT thanh toán khi xuất, nhập khẩu hàng hóa, thưa ông?
NHNN sẽ không thể kiểm soát được tiền ngoại tệ trong đó có NDT, tạo ra rủi ro lên nền kinh tế của chúng ta. Đó là rủi ro đầu tiên cũng là rủi ro lớn nhất.
Rủi ro thứ hai là khi người dân có nhu cầu nắm giữ NDT, giá trị của đồng NDT không phải do chính bản thân chúng ta kiểm soát mà do chính sách tiền tệ của ngân hàng TQ kiểm soát. Điều đó là phi lí, điều gì xảy ra nếu đồng NDT bị mất giá? 
Nó sẽ mang lại rủi ro cho thương nhân khi nắm giữ đồng NDT. Ngược lại, nếu như nắm giữ tài sản nợ bằng đồng NDT, ví dụ như anh vay nợ Trung Quốc, hiện nay có rất nhiều dự án đầu tư tại Việt Nam có nguồn vốn ODA Trung Quốc…thì đồng NDT lên giá sẽ làm cho gánh nợ tăng lên Vô hình chung đồng NDT tăng giá hay giảm giá đều bất lợi cho hoạt động kinh tế của chúng ta. Có thể đây là nhu cầu về sự phòng cho NDT của họ trong tương lai chứ không chỉ đơn thuần về đầu tư đồng NDT. 
Cái thứ ba là, khi cho phép thanh toán bằng NDT, vô hình chung  gắn một phần nền kinh tế chúng ta vào chính sách tiền tệ của TQ, tạo ra sự phụ thuộc vào chính sách vĩ mô của TQ.
Nhiều ý kiến cho rằng đề xuất này của Trung Quốc nằm trong chiến lược quốc tế hóa đồng NDT và thay thế đồng đô la?
Đúng là như vậy. Tham vọng của TQ hiện nay là muốn quốc tế hóa đồng NDT, tăng cường khả năng chuyển đổi của NDT trong quan hệ thương mại và đầu tư quốc tế. Họ có chiến lược để làm điều đó. Nỗ lực của TrQ là đưa NDT vào rổ tiền SDR của IMF (từ một rổ các đồng tiền gồm USD, euro, bảng Anh và yen Nhật). 
TQ đã nhiều lần đề xuất đưa vào rổ SDR nhưng chưa được. Sắp tới cơ cấu rổ tiền được tính toán lại, TQ đang vận động làm sao để đưa NDT vào rổ tiền này. Và Việt Nam như là nước thử nghiệm cho chiến lược bành chướng của đồng NDT TQ. VN không có lý do gì để đi tiên phong, làm con thuột thí nghiệm cho Trung Quốc, không có lý do gì đi tiên phong trong chiến lược bành trướng, mở rộng đồng nhân dân tệ của TQ.
Một đất nước giàu mạnh do sức khỏe của nền kinh tế của quốc gia đó hơn là sức mạnh về quân sự, quân đội. Tất nhiên là các sức mạnh này có liên quan với nhau nhưng cuối cùng sức mạnh của quốc gia đến từ sức mạnh nền kinh tế. 
Điều gì sẽ xảy ra nếu không có nền kinh tế lành mạnh, phụ thuộc? Đó là kinh tế yếu, làm sao có thể bảo vệ tính toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của chúng ta? Nhìn bề ngoài, biên giới của chúng ta có vẻ vẫn được yên bình nhưng sự lệ thuộc của nền kinh tế nặng nề hơn như thế. Đó mới là cái chúng ta đáng sợ nhất.
Theo ông, Chính phủ nên hành động như nào trước đề nghị này?
Chúng ta có cơ sở pháp lý và luật ngân hàng nhà nước. Trong Luật NHNN có một quy định rằng đồng tiền được lưu hành hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam duy nhất là VNĐ và NHNN là cơ quan duy nhất đảm bảo giá trị đồng tiền. Chúng ta có thể sử dụng cơ sở pháp lý đó để có thể từ chối bất cứ đề nghị nào về việc sử dụng đồng tiền thứ hai thay VND cho các quan hệ thương mại tại Việt Nam.
Việt Nam cần khôn ngoan, tỉnh táo để khước từ lời đề nghị phi căn cứ, không những không mang lại lợi ích gì cho đất nước mà còn đặt nền kinh tế của chúng ta vào tình thế rủi ro. Chúng ta chẳng có lý do gì để ôm rơm nặng bụng.
Cám ơn ông!
An Nhiên thực hiện

Bài viết liên quan:

Hot news 4482442682857273297

Follow Us

Quảng cáo

Facebook

Follow this blog

item