Rưng rưng câu chuyện có thật về tình yêu vĩ đại

A+ A-

Trước mặt vợ và các con, ông luôn tỏ ra lạc quan, vui vẻ để giúp mọi người quên nỗi đau bệnh tật, nhưng đằng sau đó, ông lại khóc thầm...



Cách đây vài ngày, trên facebook của Thương Sobey (sáng lập Mạng lưới ung thư vú Việt Nam, thực hiện nhiều hoạt động giúp đỡ những bệnh nhân ung thư vú…) đăng tải bức thư của một người bạn.
Bức thư kể về một người chồng hiếm có trên thế gian, người cha mẫu mực, người tưởng như chỉ có ở trong truyện, trong phim… nhưng đó lại là một nhân vật có thật. Tác giả bức thư này là Võ Thanh Hà, cô tự giới thiệu mình là “một giáo viên bình thường, không có tiền, không có địa vị, quyền lực, nhưng mình có chung nỗi đau, sự đồng cảm với những người có người thân ung thư”.


Đồng cảm với nỗi đau mà những người mắc ung thư phải chịu đựng, nhất là khi cả bố mẹ Thanh Hà đều lần lượt mắc phải căn bệnh quái ác này, cô mong muốn có thể đóng góp sức lực nhỏ bé của mình làm điều gì đó có ích.
Người mà cô nhắc đến trong lá thư không ai khác chính là Bố của mình. Rất nhiều người khi đọc những dòng chia sẻ này đã không cầm được nước mắt. Chúng tôi xin được lược trích một phần trong lá thư:
“Một tuần nữa là giỗ hết khó bố mình, ông mất vì căn bệnh ung thư thực quản. Khoảng từ năm 1995 đến khi mất, ông đã phải ròng rã chiến đấu với căn bệnh ung thư, bệnh tai biến của vợ và sau đó đến lượt chính bản thân ông. Khi mẹ mình bị ung thư vòm họng năm 1995, bố mình là chỗ dựa thật vững chắc cho bà. 
Ngày đó kinh tế gia đình khó khăn, mình nhớ ông đã phải bán hết đồ đạc trong nhà và vay mượn để đưa bà ra Hà Nội chữa bệnh hết lần này đến lần khác. Chế độ ăn của bà được ông chuẩn bị kĩ càng chu đáo, ngày nào cũng nấu một nồi cháo gồm các loại đậu và vừng nấu với thịt, rau củ hầm nhừ, trong vòng 4 năm. Sau đó rây nhuyễn để bà ăn phần lỏng dưới rây, còn ông tận dụng phần xơ ở trên rây để ăn, để tiết kiện cả tiền và thời gian. Khi bà đỡ hơn một chút và muốn đi làm trở lại, ông thường xuyên đưa đón bà đi, với cái cách vui vẻ và nhàn tản nhất trên đời mà ông có thể tạo ra. Để rồi sau đó phi như bay đến sở làm, hộc tốc làm với núi công việc chất đống bị đình trệ do nghỉ quá nhiều, đến ngân hàng để vay thêm tiền, chăm sóc 3 đứa con, làm thêm những công việc khác…. 
Ông đã làm việc phi thường gấp nhiều lần để có thể trụ vững với người vợ ung thư và 3 đưa con nhỏ cùng nhiều món nợ. Bốn năm sau khi phát hiện ung thư, mẹ mình mất, bác sĩ đã xem ca của mẹ thật kì diệu vì khi phát hiện ra, bệnh bà đã ở giai đoạn cuối. Ngày mẹ mình mất, mình đang học lớp 12, và trúng ngày mình đi thi. Lúc đó dĩ nhiên mình chẳng nghĩ được chuyện thi cử gì nữa. Nhưng khi bà đang nằm trên giường, đã hôn mê sâu, dì mình - em ruột bà hỏi rằng: Chị muốn con H đi thi không, thì mình và mọi người thấy Bà khẽ nhướng mày lên, và chảy nước mắt. Mình hiểu việc mình đi thi và dành kết quả cao cũng là tâm nguyện của bà nên nén nỗi đau để đi thi với sự chăm sóc của thầy giáo mình (giờ thầy cũng đã mất vì bệnh ung thư, những người tốt quanh mình đang chết dần chết mòn vì nó, mà mình thì ngồi đây khoanh tay bó gối bất lực).
Rưng rưng câu chuyện có thật về tình yêu vĩ đại
Khi mẹ mình mất được một thời gian, cơ quan bố mình tác hợp cho ông với một người phụ nữ cùng cơ quan. Sau khi đã hỏi ý kiến và nhận được sự đồng ý của con cái, bố mình đi bước nữa. Mẹ hai của mình là người phụ nữ phúc hậu, bị bệnh tim không thể sinh nở nên không lấy chồng, ở vậy đến khi lấy bố mình đã hơn 50 tuổi. Ai cũng mừng cho ông, mình càng mừng và thấy yên tâm, mặc dù cũng hơi chạnh lòng thương mẹ mình, nhưng chắc ở bên kia, mẹ mình cũng muốn vậy. 
Song ngày vui ngắn chẳng tày gang. Mẹ hai bị nhồi máu cơ tim và tai biến, liệt nửa người. Bố mình lại một lần nữa coi bệnh viện là nhà. Ông đưa mẹ hai ra các bệnh viện ở Hà Nội ròng rã 8 tháng, hết hạn lưu trú ở viện này lại nhập sang viện khác, lòng vòng hết 4 bệnh viện lớn ở HN. Ông nói quyết tâm điều trị đến cùng cho mẹ hai để con cái được gọi tròn tiếng MẸ mà không đứt quãng giữa chừng. Trong 8 tháng này ông ăn ngủ trong các bệnh viện, bên giường bệnh của bà, thỉnh thoảng mới ghé về nhà người quen. Ở phòng bệnh nào có ông là có sự vui vẻ ở đó, chỉ đến đêm khuya mới ra hút thưốc rồi khóc ở cuối hành lang bệnh viện. Thời kì này mình cũng không giúp được nhiều cho ông, vì mới lấy chồng, khoảng cách khá xa và đang bị áp lực vì muộn sinh nở, nhà chồng cho rằng “cây độc không trái, gái độc không con”.
Sau 8 tháng ở bệnh viện, mẹ hai đã được cứu mạng sống nhưng bị liệt nửa người, mọi chuyện ăn uống sinh hoạt lại phải phụ thuộc vào người khác. Song cái cột chống của nhà mình đã không thể đứng vững. Bệnh tật đã quật ngã ông. Khi bà vẫn đang nằm trên giường bệnh thì ông nhận được tin sét đánh: bị ung thư thực quản. Mình nghĩ, giờ đây, người ta đã phát hiện ra tinh thần vui vẻ có tác dụng tích cực trong điều trị ung thư, thì cũng có thể, sự suy sụp tinh thần trong một thời gian dài là 1 nguyên nhân dấn đến bệnh ung thư chăng? Trong suốt thời gian chăm 2 bà vợ, bố mình giống như cái cây bề ngoài xanh tốt, mà bên trong đã héo nẫu rồi. Sức lực và tinh thần của ông đã bị bóp đến kiệt quệ. 
Điều mình thương ông nhất, đó là chưa bao giờ được khóc một cách thoải mái vì những nỗi đau đớn, mà cứ phải chôn sâu, giữ chặt, kìm nén đến vón cục trong lòng. Lúc nào cũng phải tỏ ra thật mạnh mẽ, vui tươi, lạc quan để làm chỗ dựa cho con và người vợ bệnh tật. Những người hàng xóm kể lại thường thấy ông ra ghế đá công viên cách nhà mình một quãng, tập thể dục xong rồi ngồi khóc. Và dường như sau khi trút bỏ gánh nặng cho cái ghế đá vô tri, về nhà ông lại rất vui vẻ. Nhưng cũng chính sự hi sinh này của ông mà nhà mình, trong thời khắc đó cũng chưa hẳn là đen tối đến mức như mọi người vẫn nghĩ.
Ai đến thăm nhà mình giai đoạn đó đều ái ngại, ông nằm liệt phòng ngoài vì ung thư, bà nằm liệt phòng trong vì bại liệt, nhà có 2 con gái thì mình vừa mới sinh, em gái mình đang có bầu, em trai đi học xa, nên các bệnh nhân tự chăm sóc nhau là chính. Bố mình vẫn đi chợ, khi không đi được thì ông chống gậy mua các loại rau của quả về nấu cho ông đúng chế độ chuẩn của người ung thư, và chăm sóc bà. 
Ông vẫn luôn tạo ra sự lạc quan để che lấp đi sợ ngột ngạt và sợ hãi đang bủa vây các thành viên. Đặc biệt là ông kiên cường chống lại căn bệnh bằng tất cả mọi thứ có thể. Đến giai đoạn cuối, biết không thể kéo dài thêm lâu được nữa, ông cùng với chị em mình đã chủ động cho chuyến đi xa của ông. Lúc đó, trong ông thật giống một người chuẩn bị hành lí đi du lịch. Ông về quê thăm lại bà con họ hàng, nhắn tin thăm hỏi các bạn cùng điều trị ung thư (vì lúc này ông không nói được nữa); về quê xem trước phần đất nơi mình sẽ nằm xuống, dặn dò sắp xếp lo lắng mọi việc, viết ra giấy trình tự những việc cần làm, những người cần gọi khi ông nằm xuống. Ông đã cố gắng làm nhẹ hóa cái chết đang đón đợi để những người ở lại, gồm một bà vợ bại liệt, 3 đứa con mới chập chững vào đời đỡ bị shock.
Khi 2 bà vợ lần lượt bạo bệnh, ông đã tận tụy chăm sóc. Nhưng khi ông nằm xuống, một bà đã ở bên kia thế giới, một bà bại liệt vẫn cần tay ông chăm sóc”.

Bài viết liên quan:

Truyện ngắn 6391757878793910376

Follow Us

Quảng cáo

Facebook

Follow this blog

item